An Giang là điểm đến tiếp theo trong chuyến hành trình về miền Tây 5 ngày 4 đêm bằng xe máy của bộ ba loi nhoi chúng tôi. Sau ngày đầu tiên ngủ tại Tràm Chim và một buổi sáng chơi bời chán chê với đám chim trong vườn quốc gia, hơn 10 giờ sáng, chúng tôi lại khăn gói lên đường về Châu Đốc.
Cung đường được chọn là theo tỉnh lộ 843 và 842 từ Tràm Chim – Hồng Ngự – Châu Giang – Tân Châu – Châu Đốc dài 80km, qua 2 chuyến phà Châu Giang và Tân Châu. Khung cảnh đẹp như tranh!
Những đồng lúa xanh mởn bạt ngàn ở Hồng Ngự. Làng Hồi giáo của người Chăm ở Châu Giang yên bình với biểu tượng mặt trăng khuyết và ngôi sao ở khắp nơi. Những con đường nhỏ len lỏi rợp bóng mát… Đến hơn 2 giờ chiều, xứ thơ An Giang đón chúng tôi bằng cảnh đốt đồng của bà con nông dân. Mùi khói rơm thơm nồng cay mắt. Chuột đồng tíu tít chạy băng ngang đường làng. Yên bình và thân thương, làm sao không yêu cho được?

Hoàng hôn rực rỡ – Ảnh: V.Đ
Vì bạn nhỏ 5 tuổi đã phải phơi nắng phơi gió suốt ngày đầu tiên của chuyến đi nên chúng tôi quyết định sẽ lưu lại Châu Đốc 2 đêm tận hưởng để lấy lại sức. Có thể nói, nơi lưu trú tôi ưng nhất ở đây là Victoria Núi Sam Logde (3 sao) thuộc hệ thống khách sạn của Victoria. Nằm cheo leo trên núi Sam, khách sạn là một nơi nghỉ dưỡng tuyệt đẹp với khung cảnh thơ mộng có một không hai. Những dãy phòng được bố trí dọc triền núi như ruộng bậc thang. Mỗi phòng đều có một khoảng sân lớn phía trước nhìn xuống mênh mông ruộng lúa. Phòng ốc được thiết kế tiện nghi và thoáng mát, tôi thích nhất là mùi hương sả thoang thoảng dễ chịu trong phòng. Hồ bơi cũng nhìn xuống ruộng lúa đẹp tuyệt vời… Điều bất tiện duy nhất đối với chúng tôi là buổi tối ở đây có rất nhiều muỗi, phải liên tục xức kem chống muỗi và đốt nhang xua muỗi. Hai đêm ở Victoria Núi Sam Lodge đối với ba đứa chúng tôi có hơi xa xỉ (vì toàn ở bụi không mà) nhưng hoàn toàn xứng đáng. Tận hưởng từng phút từng giây!

Nhìn từ núi Sam – Ảnh: V.Đ
Buổi chiều đầu tiên ở Châu Đốc chúng tôi dành thời gian thư giãn ở resort. Khói lam chiều bay mơ màng theo làn gió. Bầy chim sẻ líu lo trên đầu. Hoàng hôn hắt ánh vàng cam rực rỡ xuống những ruộng lúa phía dưới. Đúng là xứ thơ mà.
Ngày thứ hai, sau khi ăn sáng tại khách sạn, chúng tôi lại xách xe chạy về Tịnh Biên. Đường chính không đi mà chỉ đi đường làng!!! Dò bản đồ Google thấy có một con đường nhỏ ven theo Kênh Vĩnh Tế nằm sát biên giới Campuchia. Vậy là A lê hấp, tiến lên nào!!! Ba đứa sung sướng vừa chạy vừa hít hít mùi tràm vương trong không khí và lọt vào “vùng cấm” (tôi sẽ nói về cái này sau) hồi nào không hay. Vì là vùng biên giới với Campuchia nên ở đây có rất nhiều cây thốt nốt, bò thì chỉ toàn một màu trắng tuyền, người Việt và người Khơ me sống chung trong những ngôi làng nhỏ yên bình. Đến một bến đò ven kênh, chỉ có vài chiếc xà lan nhỏ chở lúa và chở người qua lại hai bên bờ kênh, rất dễ thương và bình dị. Vậy là ba đứa dừng lại để chụp hình. Đang mải mê chụp chọt, thì một đồng chí (có vẻ là công chức) mặt rất nghiêm nghị tới “làm việc” và thông báo là chúng tôi đã vi phạm “quy định cấm chụp ảnh, vẽ hình, tác nghiệp báo chí tại vùng ven biên giới Việt Nam – Campuchia”. Ngớ người ra một chút (vì tôi nghĩ chắc tới để xin tiền, làm khó dễ gì đây mà :D), chúng tôi mới giải thích vì không biết quy định đó, thấy cảnh dễ thương nên mới chụp thôi chứ không có ý gì và xin “đồng chí” “tha mạng”, hehehe. Xuống nước trước cho lành, nhỉ. Cũng may gặp đồng chí đàng hoàng nên chúng tôi được cho đi mà không gặp rắc rối gì, chỉ có lời nhắc nhở là từ vị trí này trở đi không được sử dụng máy ảnh nữa. Ok, chúng em xin tuân lệnh đồng chí ạ!!!

Đường đến Tịnh Biên, vùng biên giới Việt Nam – Campuchia – Ảnh: V.Đ
(Về đến khách sạn, tôi có lên mạng tìm hiểu thì đúng là có cái nghị định 40 thật, hay số mấy quên rồi, nghiêm cấm các hình thức chụp ảnh, ký họa, tác nghiệp báo chí… tại vùng biên giới Việt Nam – Campuchia. Và do mải mê chạy mà chúng tôi lọt vào “vùng cấm” ngay biên giới, thật ra không cho xe qua lại, chỉ người dân sống ở đó mới được đi thôi!!!)
Đến chợ biên giới Tịnh Biên, đi lòng vòng không có gì hấp dẫn, chúng tôi lại leo lên xe chạy tiếp về Ba Chúc. Cũng lại là những con đường thơ mộng giữa ruộng lúa thấp thoáng bóng cây thốt nốt. Những ngôi nhà đơn sơ chất đầy một núi rơm trước cửa. Những đám cưới Khơ me với cô dâu chú rể mặc áo màu vàng rực rỡ tươi cười trong tiếng nhạc dập dìu vang lên giữa buổi trưa chói chang nắng. Cảnh thôn quê bình dị đáng yêu vô cùng. Ghé vào một quán cà phê võng nhỏ xinh ở Ba Chúc, anh chủ quán có cái răng vàng, mỗi lần cười là chóe lên chói cả mắt. Chúng tôi vừa nằm võng đung đưa cho đỡ mỏi lưng vừa phải luyên thuyên cái mồm vì anh cứ ngồi bắt chuyện suốt. Anh nói như chưa từng được nói, anh kể như chưa từng được kể, anh hỏi như chưa từng được hỏi. Cứ như chúng tôi là những người tri kỉ lâu ngày không gặp. Nào là quê ở đâu, làm nghề gì, nhà chỗ nào, bla bla bla… Vì không muốn cung cấp thông tin cá nhân cho… người dưng nên chúng tôi cũng bịa luôn là quê ở Ba Chúc, ba đứa đang về thăm quê… và cứ thế cuộc trò chuyện cứ tràng giang đại hải không hồi kết. Đến khi đứng dậy từ biệt, thấy tôi say sưa ngắm mấy cái chậu cây xinh xắn làm bằng lon tái chế của vợ, anh cũng tặng mấy chậu. Dễ thương ghê luôn, hihihi. Thấy ngại, tôi từ chối khéo.
(Sau những chuyến đi các tỉnh miền Tây tôi nhận thấy rằng người miền Tây tuy ai cũng chân chất và thân thiện nhưng có lẽ ở vùng Đồng Tháp Mười, An Giang người ta cởi mở hơn ở vùng Tiền Giang, Bến Tre. Trong suốt chuyến đi này, đến quán cà phê võng nào, chúng tôi cũng được người ta ra ngồi bắt chuyện, điều hiếm xảy ra trong chuyến đi Tiền Giang – Bến Tre sau này của chúng tôi.)
Vì đã đi An Giang một lần rồi, nên hai ngày lang thang như vậy là quá thỏa mãn. Đủ lưu trong mắt muôn sắc màu của xứ Bảy Núi. Đủ chuyện trên trời dưới đất để nhớ về chuyến đi này.
Nói về một số địa điểm thú vị ở An Giang, tôi có thể kể sơ sơ như sau:
1./ Rừng tràm Trà Sư: Cách Châu Đốc khoảng 35 cây số. Khu rừng tràm có diện tích khoảng 850 ha. Đến đây, bạn sẽ được lên xuồng (giá vé khoảng 50.000 đồng/người – 60.000 đồng/người) vào giữa rừng tràm. Tùy vào mùa mà mặt nước sẽ được phủ xanh bởi bèo hoa dâu (mùa nước cạn) hay bèo cám (mùa nước nổi). Theo dòng nước mát len lỏi vào những đồng sen bát ngát, chỉ cần với tay là chạm vào hoa, vào lá. Buổi sáng sớm, hay khi hoàng hôn sắp buông, bạn sẽ được nhìn ngắm thế giới sinh động của các loài chim, chủ yếu là cò, vạc, diệc, cồng cộc, điên điển (chim cổ rắn). Một trải nghiệm tuyệt vời cho những tâm hồn yêu thiên nhiên.

Rừng tràm Trà Sư – Ảnh; V.Đ
2./ Đồi Tà Pạ: Rời Trà Sư, thẳng hướng về Tri Tôn để ghé vào đồi Tà Pạ. Đây là địa điểm ít người biết nhưng lại quyến rũ không kém. Đồi chỉ cao 120m, trên đồi có ngôi tự Chun Num cổ kính được xây dựng theo lối kiến trúc của người Khơme. Trên đồi Tà Pạ còn có một hồ nước trong veo xanh màu ngọc bích (trước đây là khu vực khai thác đá granite), mặt hồ phẳng lặng như gương soi, mờ ảo phía sau là dãy Cô Tô hùng vĩ.

Cánh đồng Tà Pạ – Ảnh: V.Đ
3./ Búng Bình Thiên: Nằm giữa sông Bình Di và sông Hậu. Hồ rộng khoảng 193 ha, là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất hiện nay ở miền Tây. Nước trong hồ trong xanh quanh năm, mặc dù các kênh rạch gần đó lại đục ngầu phù sa, và nước ở hồ cứ dâng lên rồi hạ xuống chứ không chảy, tạo nên rất nhiều truyền thuyết về Búng Bình Thiên này. Cư ngụ ở khu vực quanh Búng là đồng bào dân tộc Chăm. Chỉ cần đi dạo một vòng quanh hồ, bạn sẽ thấy được nét văn hóa đặc trưng của bà con nơi đây. Dân tộc Chăm hầu như còn giữ lại nguyên vẹn những sinh hoạt và tín ngưỡng riêng của mình.
4./ Núi Cấm: Độ cao 705m, chiếm chu vi 28.600m, là một ngọn núi cao nhất trong Thất Sơn và cao nhất tỉnh. Núi nằm trên địa bàn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên. Bạn có thể lên núi Cấm bằng xe du lịch lữ hành, xe hon đa ôm, hay đi bộ đều được. Trên đỉnh có nhiều nơi bạn có thể tham quan như: Chùa Linh Sơn, Chùa Phật Lớn, Tượng Phật Di Lặc và Vồ Bồ Hông (nơi cao nhất của đỉnh núi Cấm). Trên núi Cấm có nhiều nhà nghỉ có thể qua đêm (giá cả phải chăng) dịch vụ ăn uống khá đầy đủ tuy giá cả hơi đắt một tí.
(Bài viết: V.Đ – Dulich.blog)